Tòa án nhân dân tỉnh Long An đối thoại thành vụ án hành chính theo Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án.
Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, đóng vai trò đặc biệt quan trọng khi giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong xã hội. Với cách thức thân thiện, trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Sau thời gian triển khai thực hiện, Tòa án nhân dân tỉnh Long An mở phiên đối thoại đầu tiên, đối với vụ kiện hành chính yêu cầu “Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất” giữa bà Phạm Thị Lựa với Ủy ban nhân dân huyện Thủ Thừa, do bà Trần Thị Nhanh, Hòa giải viên của Tòa án nhân dân tỉnh thực hiện.

Phiên đối thoại đầu tiên tại Tòa án nhân dân tỉnh Long An áp dụng Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án
Với kinh nghiệm trong công tác, sự kiên trì nhẫn nại, lắng nghe và phân tích hài hòa giữa các bên, Hòa giải viên Trần Thị Nhanh đã đối thoại thành công vụ kiện hành chính đầu tiên tại Tòa án nhân dân tỉnh khi Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án có hiệu lực; trên tinh thần tự nguyện thỏa thuận của hai bên thống nhất hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL 943573 ngày 08/01/2008 do Ủy ban nhân dân huyện Thủ Thừa cấp và hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bà Lưu Thị Chín với ông Huỳnh Đình Thiện do Ủy ban nhân dân xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An chứng thực số 439, quyển số 1 TP/CC-SCT/HĐGD ngày 28/12/2007.
Phát biểu sau phiên đối thoại, ông Phạm Văn Khéo là người đại diện hợp pháp của người khởi kiện cho biết, Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án có hiệu lực đã giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí cho gia đình ông, vì khi hòa giải, đối thoại thành được Tòa án lập biên bản ghi nhận kết quả ngay để làm cơ sở ra quyết định công nhận kết quả; trong quá trình hòa giải, đối thoại, Hòa giải viên luôn tôn trọng sự tự nguyện, thống nhất của các bên; đảm bảo bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hòa giải, đối thoại.
Theo bà Phan Ngọc Hoàng Đình Thục, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Long An cho biết, sau khi Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án có hiệu lực, việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, Đối thoại đã được Tòa án nhân dân hai cấp khẩn trương thực hiện. Đến nay Tòa án nhân dân hai cấp có 72 Hòa giải viên. Tất cả Hòa giải viên đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định, đã qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức. Về cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc cho các Hòa giải viên về cơ bản đảm bảo cho hoạt động. Công tác tuyên truyền được Tòa án nhân dân hai cấp thực hiện tốt như phối hợp với cơ quan truyền thông tuyên truyền Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân nắm rõ về tính hiệu quả của công tác này và để Luật nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.

Bà Phan Ngọc Hoàng Đình Thục, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Long An phát biểu
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân hai cấp cũng gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như: Đa số người dân chưa thấy lợi ích trong việc lựa chọn hòa giải, đối thoại, còn tâm lý ngại mất thêm thời gian nếu qua hòa giải, đối thoại nên mặc dù đã được giải thích, hướng dẫn của công chức Tòa án nhưng hầu hết người dân vẫn chọn hình thức giải quyết theo thủ tục tố tụng nên bước đầu số lượng vụ việc được chuyển sang hòa giải, đối thoại còn hạn chế (tính đến ngày 28/02/2021, số lượng vụ việc đã chuyển sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 105 vụ, trong đó, Tòa án nhân dân cấp tỉnh 04 vụ, Tòa án nhân dân cấp huyện 101 vụ); nhu cầu tuyển chọn Hòa giải viên cho Tòa án nhân dân hai cấp rất nhiều, nhưng số lượng nộp hồ sơ tương đối ít so với định biên Hòa giải viên được phân bổ; đa số Hòa giải viên là những người đã nghỉ hưu, lớn tuổi, khả năng tin học có phần hạn chế nên rất cần người giúp việc nhưng Tòa án nhân dân tối cao chưa có chủ trương đối với công tác này; cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc phải tận dụng các phòng làm việc, bàn ghế, máy vi tính cũ phục vụ cho hoạt động xét xử để trang bị cho phòng hòa giải, đối thoại… Về phương hướng trong thời gian tới, Tòa án nhân dân hai cấp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đến người dân; kịp thời kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao quan tâm hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị và các điều kiện khác nhằm phục vụ tốt cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân hai cấp.
Mỹ Linh