KHÁI QUÁT VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Tỉnh Long An, vốn xưa là vùng thuộc Chợ Lớn và Tân An - một vùng đất hình thành sớm ở đồng bằng Châu thổ Cửu Long. Theo tài liệu địa phương chí trước đây tỉnh Tân An gồm 03 quận: Châu Thành, Thủ Thừa và Mộc Hóa. Tỉnh Chợ Lớn gồm 04 quận: Gò Đen, Cần Giuộc, Cần Đước và Đức Hòa. Trong cao trào cách mạng 1936 - 1939, đặc biệt là trong Khởi nghĩa Nam kỳ 1940, ở Long An đã có những hoạt động mang tính chất Tòa án. Cùng với phong trào đấu tranh chống áp bức bóc lột, tại các cuộc mít tinh cách mạng đã tuyên án tử hình nhiều tên phản động, gian ác khét tiếng do quần chúng trực tiếp vạch trần tội ác và nhất trí kết án. Tòa án xử công khai có quần chúng tham gia luận án rất đông đảo, cảm hóa những kẻ lầm đường và trấn áp thẳng tay những kẻ cố tình chống lại cách mạng. Các phiên tòa lúc bấy giờ như những buổi huấn luyện chính trị có tác dụng tốt và ảnh hưởng lâu dài đến thời kỳ kháng chiến sau này. Căn cứ vào các chính sách cụ thể của Xứ ủy đề ra trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ: “Khoan hồng với người lầm lạc, bảo vệ quyền lợi nhân dân, tôn trọng tự do tín ngưỡng, hủy bỏ các khế ước giao kèo có tính chất áp bức nhân dân, tịch thu địa bạ của bọn địa chủ phản động để luận tội và kết án”. Chúng ta đã tuyên án tử hình nhiều tên phản cách mạng, áp bức Nhân dân như: Quản Nên, Bếp Nhung ở Đức Hòa, Hương quản Tấn ở Cần Giuộc…
Sau mít tinh mừng độc lập 02/9/1945, trước sức ép của các thế lực thù địch đang ráo riết hoạt động nhằm lật đổ chính quyền cách mạng, tình hình xã hội diễn biến vô cùng phức tạp, thực dân Pháp ra sức tuyên truyền, lôi kéo các quan lại, công chức cũ ngấm ngầm hoạt động trở lại, cùng với lực lượng gián điệp ra sức tung tin làm rối loạn trật tự xã hội, ngăn chặn số công chức cũ ngả theo cách mạng, hô hào, tiếp sức cho bọn phản cách mạng. Trong thời kỳ này, ở Long An trộm cướp nổi lên hoành hành ở một số vùng nông thôn, vơ vét cướp bóc trắng trợn tài sản của nhân dân. Chính quyền các cấp ở Long An hình thành trong điều kiện quá gấp, cho nên không tránh khỏi những yếu kém về chính trị, tổ chức và nhân sự. Mặc dù vậy, bước đầu đã trấn áp được một số vụ có âm mưu gây bạo loạn, lật đổ chính quyền, cướp bóc tài sản của Nhân dân. Hoạt động chủ yếu của Tòa án Long An lúc này là cương quyết trừng trị các tên tề làng, các tổ chức phản động, những tên cướp bóc phá rối cuộc sống của nhân dân.
Bộ máy Tòa án lúc đầu có 03 bộ phận cơ bản: Chánh án, Lục sự và Tổ thư ký giúp việc. Khi xử các vụ trọng tội thì Hội thẩm phải có đại diện của Ủy ban và Quân sự. Do tính chất quan trọng của Tòa án, ngay từ đầu Cấp ủy đã lựa chọn những người có trình độ văn hóa, giác ngộ lý tưởng, nắm vững đường lối chủ trương của Đảng để làm cán bộ Tòa án.
Từ năm 1946 đến 1949, mặc dù phải liên tục chiến đấu để chống lại việc Pháp lấn chiếm nhưng Tòa án các cấp ở Long An vẫn tổ chức được các phiên tòa công khai hoặc bí mật, mức án cao nhất là tử hình, mức án nhẹ thì giáo dục răn đe, giao cho gia đình bảo lãnh.
Các vụ án điển hình trong giai đoạn này như sau:
- Tại trạm gác Voi Lá (Bến Lức) ta đã bắt giữ Võ Khắc Thiệu, một tên phản bội trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, làm mật thám cho Pháp, y đã chỉ điểm cho Pháp bắt một số Đảng viên và Cán bộ cách mạng, thu thập tin tức và tình hình của ta, cung cấp cho Pháp để đánh chiếm lại Nam bộ. Tòa án đã tuyên tử hình tên Thiệu vì tội phản quốc.
- Tên Võ Văn Thân giả bộ bị thương, băng bó khắp đầu và chân. Qua khám xét các lớp băng là tài liệu ghi chú nơi đóng quân, trang bị vũ khí của ta và y đã thừa nhận là tình báo của Pháp. Tòa án đã mở phiên tòa công khai tại chợ Tân An, tuyên án tử hình tên Thân.
- Ở Cần Đước, sau khi thu thập tin tức biết rõ tên chủ Mao xã Long Định ra làm lại tề cho Pháp và có hành động ức hiếp quần chúng, quan hệ mật thiết với Pháp, Tòa án đã xử tử hình tên Mao.
- Đầu năm 1947 ở Mộc Hóa, ta giăng bẫy bắt 56 tên gián điệp, Tòa án đã xử tử hình 13 tên. Qua khai thác ta phát hiện và bắt 17 tên trà trộn vào nội bộ cơ quan, đoàn thể của ta.
- Tên Khương ở Bình Đức (Bến Lức) là tay sai ác ôn, làm giàu trên xương máu của nhân dân, Tòa án đã xử tử hình tên Khương.
- Các tên ác ôn khác ở Tân An như: Mộc Nga (Phòng Nhì), Cai tổng Long, Hương Cả Để, Giáo Lương, tên Trình, tên Mỹ làm chỉ điểm cũng lần lượt bị xử tử hình.
Sau chiến thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Cùng với việc xây dựng chính quyền địa phương ở các tỉnh phía Nam thì việc thành lập các Tòa án ở những địa phương này cũng được tiến hành khẩn trương. Ngày 16/4/1976, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 07 thành lập Toà án nhân dân tỉnh Long An, trụ sở của Tòa án được đặt tại số 116 đường Trương Công Định, Tân An, Long An (hiện nay là 116 Trương Định, Phường 1, thành phố Tân An, tỉnh Long An).
Ngay những ngày đầu thành lập, Tòa án nhân dân tỉnh Long An gặp rất nhiều khó khăn trong công tác cán bộ, vì cán bộ am hiểu nghiệp vụ rất thiếu. Lúc mới thành lập chỉ có 03 cán bộ do Tỉnh ủy điều về, trong đó 01 Phó Chánh án, 01 Thẩm phán và 01 cán bộ phụ trách văn phòng, đây là số cán bộ thoát ly tham gia kháng chiến. Tuy nhân sự ít nhưng các đồng chí đã tích cực bắt tay vào xây dựng đội ngũ cán bộ cho Tòa án nhân dân tỉnh Long An. Sau đó được Tòa án cấp trên tăng cường cán bộ Tòa án của các tỉnh phía Bắc vào và tuyển dụng thêm lực lượng tại chỗ đã phần nào giải quyết được vấn đề nhân sự lúc bấy giờ.
Sau khi Tòa án nhân dân tỉnh Long An được thành lập, 10 Tòa án cấp huyện, thị trong tỉnh cũng lần lượt được thành lập như: Tòa án thị xã Tân An, Bến Thủ, Tân Châu, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa, Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng. Hiện nay, toàn tỉnh có 15 Tòa án nhân dân cấp huyện, gồm: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An.
Với những ngày đầu khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất; đội ngũ cán bộ làm công tác Toà án thiếu và chưa được đào tạo căn bản về chuyên môn nghiệp vụ, nhưng được Đảng giao phó, nhân dân tin yêu, bám sát các nhiệm vụ chính trị, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành bảo vệ pháp luật, bằng hoạt động xét xử hình sự, Tòa án đã kịp thời đưa ra xét xử nghiêm minh, trừng trị thích đáng bọn tội phạm, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ trấn áp có hiệu quả đối với bọn phản Cách mạng, bọn phản động đội lốt tôn giáo, bọn giết người. Tòa án nhân dân tỉnh thường xuyên mở các phiên tòa xét xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án và xử phạt mức án thật nghiêm khắc đối với bọn tổ chức, cầm đầu, đồng thời khoan hồng đối với những người bị lôi kéo, bị dụ dỗ, mua chuộc. Việc xét xử đã có tác dụng tuyên truyền sâu rộng về pháp luật trong nhân dân và có tác dụng về răn đe phòng ngừa tội phạm. Thông qua việc xét xử, Tòa án đã bóc trần các âm mưu của phần tử phản Cách mạng, phá hoại công việc xây dựng xã hội chủ nghĩa, vạch trần những hành động tuyên truyền xuyên tạc nhằm gieo rắc các hoang mang, nghi ngờ và chia rẽ trong nội bộ nhân dân.
Sau quá trình chuẩn bị, ngày 07/5/1976, Tòa án nhân dân tỉnh Long An mở phiên tòa đầu tiên xét xử vụ tranh chấp quyền sở hữu giữa ông Lê Văn Mai với ông Huỳnh Văn Đạo. Ngày 04/11/1976 mở phiên tòa hình sự công khai đầu tiên để xét xử vụ án Phùng Văn Nâu can tội giết người, xử phạt bị cáo 15 năm tù.
Mặc dù mới thành lập, trong năm 1976 Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã xét xử được 25 vụ án, trong đó 17 vụ án dân sự và 08 vụ án hình sự.
Do đặc điểm tình hình sau giải phóng, việc củng cố và bảo vệ chính quyền là nhiệm vụ hàng đầu, Tòa án nhân dân tỉnh Long An tập trung giải quyết các vụ án hình sự mang tính chất chính trị là chính, bên cạnh đó cũng xử lý thích đáng bọn giết người, cướp của, ăn cắp tài sản của Nhà nước và của công dân, giải quyết các tranh chấp dân sự và hôn nhân gia đình. Hoạt động của Tòa án nhân dân tỉnh Long An trong những năm đầu giải phóng dù còn hạn chế về tổ chức và trình độ nghiệp vụ, nhưng các đồng chí đã đoàn kết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau và nêu cao tinh thần trách nhiệm nên đã phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, công tác được giao. Những năm tiếp theo, lợi dụng sự khó khăn về kinh tế do thiên tai và sự quản lý yếu kém của ta, tình hình xã hội có nhiều chuyển biến phức tạp, các thế lực thù địch đã tăng cường hoạt động trên tất cả các mặt, nhằm gây mất trật tự xã hội và âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng; các tội phạm khác cũng thừa cơ hội phát triển. Do đó, công tác xét xử của Tòa án nhân dân hai cấp trong tỉnh ngày càng tăng lên.
Sau khi Hiến pháp 1980 ra đời, Pháp lệnh Tổ chức Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân được ban hành năm 1981, nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án được xác định cụ thể và chặt chẽ hơn. Tòa án nhân dân tỉnh Long An đã có bước chuyển mới về mặt tổ chức, từ chỗ chưa có Tòa chuyên trách, chỉ phân công Thẩm phán luân phiên xét xử hình sự và dân sự, lúc này đã thành lập Tòa Hình sự và Tòa Dân sự, cùng với bộ phận chuyên môn khác như: Giám đốc-Kiểm tra, Thi hành án và Văn phòng. Qua nhiều lần thay đổi về cơ cấu tổ chức, đến nay, Tòa án nhân dân tỉnh có 08 đơn vị Phòng, Tòa trực thuộc (Văn Phòng, Phòng Tổ chức Cán bộ, Thanh tra và Thi đua khen thưởng, Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và Thi hành án, Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Kinh tế, Tòa Hành chính, Tòa Gia đình và người chưa thành niên) và 15 Tòa án nhân dân cấp huyện, trong đó có 04/15 đơn vị Tòa cấp huyện (thành phố Tân An, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc) có Tòa chuyên trách (Tòa Hình sự, Tòa Dân sự) và 15/15 Tòa án nhân dân cấp huyện có bộ phận Văn phòng.
Những năm đầu thành lập, cán bộ, công chức Tòa án nhân dân hai cấp chưa có trình độ đại học luật. Khi Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân được ban hành năm 1994, đội ngũ Thẩm phán đã được tiêu chuẩn hóa. Tính đến ngày 01/5/2021, tổng số biên chế đã thực hiện là 251/296 chỉ tiêu được giao, trong đó có 01 Thẩm phán cao cấp, 49 Thẩm phán trung cấp, 75 Thẩm phán sơ cấp, 88 Thư ký, 21 Thẩm tra viên và 17 chức danh khác. Về trình độ chuyên môn, có 55 công chức có trình độ thạc sĩ, 191 công chức có trình độ cử nhân, 01 công chức có trình độ cao đẳng, 04 công chức có trình độ trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị, có 46 công chức có trình độ cử nhân và cao cấp, 47 công chức có trình độ trung cấp. Hiện tại, có 06 công chức đang được đào tạo thạc sĩ, 08 công chức đang được đào tạo cao cấp lý luận chính trị, 08 công chức đang được đào tạo trung cấp lý luận chính trị. Bộ máy tổ chức được sắp xếp theo hướng tinh gọn, nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá cán bộ theo quy định của Toà án nhân dân tối cao.
Về cơ sở vật chất: Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh được khởi công xây dựng từ ngày 28/7/2017 đến ngày 22/01/2021 chính thức đưa vào sử dụng, tại địa chỉ số 12 Tuyến tránh, Quốc lộ 1A, Phường 4, thành phố Tân An, tỉnh Long An. Trụ sở mới có 05 tầng, 60 phòng làm việc, 06 phòng xét xử, 02 phòng họp và 01 hội trường; các trang thiết bị cho phòng làm việc, phòng xét xử, phòng họp, hội trường, nhất là thiết bị cho Tòa gia đình và người chưa thành niên được trang cấp mới, đầy đủ đảm bảo cho hoạt động của Tòa án nhân dân tỉnh, đáp ứng yêu cầu theo tinh thần cải cách tư pháp. Trong tổng số 15 đơn vị cấp huyện thì có 04 đơn vị đáp ứng yêu cầu về trụ sở làm việc (Tân An, Đức Hòa, Cần Giuộc và Mộc Hóa), còn lại 11 đơn vị có trụ sở được xây dựng từ những năm 1990, chỉ có 1 phòng xử án, thiếu phòng làm việc cho công chức, người lao động.
Trong những năm qua, số lượng án thụ lý của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Long An có xu hướng tăng mỗi năm, tính chất tranh chấp các vụ việc dân sự, hành chính ngày càng phức tạp, tình hình hình biên chế còn thiếu, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, nhưng với tinh thần đoàn kết thống nhất, đội ngũ công chức và người lao động trong Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Long An đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao hàng năm.
Tòa án nhân dân tỉnh Long An