Loading...
Skip to main content
TÒA ÁN NHÂN DÂN TRONG GIAI ĐOẠN TỪ THÁNG 6/2015

TÒA ÁN NHÂN DÂN TRONG GIAI ĐOẠN TỪ THÁNG 6/2015

img

1. Những điểm phát triển cơ bản của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

Ngày 24-11-2014, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Đây là một trong những đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy Nhà nước theo tinh thần Hiến pháp năm 2013; thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của của Tòa án nhân dân, bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Với tinh thần nêu trên, Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung căn bản, từ phạm vi điều chỉnh đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân; các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân; nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các Tòa án nhân dân; chế độ tuyển chọn, bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Thẩm phán các Tòa án khác; chế độ bầu (cử) Hội thẩm; nhiệm vụ của Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; các quy định bảo đảm hoạt động của Tòa án. Cụ thể về các điểm mới phát triển của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 như sau:

1.1. Về phạm vi điều chỉnh

Theo tinh thần hợp nhất các Luật, Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, Toà án quân sự, về Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân, Điều 1 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định: “Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân”.

1.2. Về chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân

Với tinh thần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về Tòa án nhân dân, bảo đảm Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp; có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân...; bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; thể chế hóa những định hướng của Đảng về cải cách tư pháp, tại Điều 2 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân đã quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, trong đó có những nội dung mới, quan trọng cụ thể là:

- Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân.

Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

- Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền:

+ Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án;

+ Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập; do Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp;

+  Khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;

+ Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; khởi tố vụ án hình sự nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm;

+ Ra quyết định để thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

- Trong quá trình xét xử vụ án, Tòa án phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời Tòa án kết quả xử lý văn bản pháp luật bị kiến nghị theo quy định của pháp luật làm cơ sở để Tòa án giải quyết vụ án.

Bên cạnh các nội dung nêu trên, tại Điều 2 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, xử lý vi phạm hành chính, công tác thi hành án; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật.

1.3. Về nguyên tắc tổ chức hoạt động của Tòa án nhân dân

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân đã cụ thể hóa đầy đủ các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 103 của Hiến pháp năm 2013, trong đó có những nguyên tắc mới quan trọng như nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm trong xét xử; nguyên tắc suy đoán vô tội; đồng thời, bổ sung thêm nguyên tắc có tính chất đặc thù trong tổ chức và hoạt động của Tòa án đã được ghi nhận tại các văn kiện Đại hội Đảng gần đây và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, cụ thể là “Các Tòa án nhân dân được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử” (Điều 5 Luật Tổ chức Toà án nhân dân).

1.4. Về tổ chức bộ máy của các Tòa án nhân dân

Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã thể chế hóa nội dung của Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW, Kết luận số 92-KL/TW, Thông báo số 181-TB/TW của Bộ Chính trị về tổ chức Tòa án; theo đó, tổ chức Tòa án nhân dân gồm: Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân cấp cao; các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; các Tòa án quân sự (Điều 3).

Tổ chức bộ máy của các Tòa án được quy định theo hướng chuyên môn hoá nhưng linh hoạt, tránh cồng kềnh, gây tốn kém, lãng phí. Ở Tòa án nhân dân tối cao được tổ chức theo hướng tinh gọn với Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có từ 13 đến 17 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao là 13 đơn vị; Đặc biệt để xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các Toà án, Luật quy định cơ sở đào tạo không nằm trong bộ máy giúp việc.

Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ngoài các Tòa chuyên trách hiện có trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân như Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân lần này quy định thêm Tòa gia đình và người chưa thành niên để giải quyết các vụ việc có liên quan đến người chưa thành niên; ở Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có thể có Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa xử lý hành chính. Tuy nhiên, việc thành lập các Tòa chuyên trách này ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện cụ thể nào phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức của từng Tòa án và do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định. Trường hợp do yêu cầu thực tế xét xử, cần thành lập thêm Tòa chuyên trách khác trong Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

1.5 . Về phân định thẩm quyền của các Tòa án nhân dân

Theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân mới, Tòa án nhân dân tối cao không thực hiện nhiệm vụ xét xử phúc thẩm mà chỉ thực hiện nhiệm vụ giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác; xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 5 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; tổng kết thực tiễn xét xử; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; quản lý các Tòa án về tổ chức; xây dựng pháp luật theo sự phân công của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bổ sung nhiệm vụ đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác của Tòa án; đồng thời, để cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 104 của Hiến pháp về việc “Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tại khoản 4 Điều 22 của Luật quy định: “Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị”.

Bên cạnh các nội dung nêu trên, tại điểm c khoản 2 Điều 22 của Luật quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. Đây là nhiệm vụ mới của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đáp ứng yêu cầu phải kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử.

Về Tòa án nhân dân cấp cao, theo quy định của Luật, Tòa án nhân dân cấp cao có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị bằng Hội đồng 3 Thẩm phán hoặc Hội đồng toàn thể Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao.

Về Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, theo quy định của Luật, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét xử phúc thẩm các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị và xét xử sơ thẩm một số vụ án không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; không thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm.

Về Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, theo quy định của Luật, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương có nhiệm vụ, quyền hạn xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ, việc thuộc thẩm quyền của Tòa án và giải quyết các loại việc khác theo quy định của pháp luật.

Về các Tòa án quân sự chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 không có sự thay đổi lớn; theo quy định tại Điều 49 của Luật, các Tòa án quân sự được tổ chức trong quân đội nhân dân Việt Nam để xét xử những vụ án mà bị cáo là quân nhân tại ngũ và những vụ án khác theo quy định của luật.

1.6.  Về Thẩm phán

- Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và trình tự, thủ tục bổ nhiệm Thẩm phán đã có nhiều nội dung đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán và phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao do Quốc hội phê chuẩn và Chủ Tịch nước bổ nhiệm; Thẩm phán các Tòa án khác do Chủ tịch nước bổ nhiệm; người muốn được bổ nhiệm làm Thẩm phán ngoài những điều kiện được quy định tại Luật trước đây còn phải có thêm điều kiện đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán, có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên (thay vì 04 năm như trước đây đối với Thẩm phán sơ cấp); Thẩm phán sơ cấp muốn được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán trung cấp phải trải qua kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán trung cấp muốn được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán cao cấp phải trải qua kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán cao cấp. Cùng với việc nâng cao các tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm Thẩm phán, Luật Tổ chức Tòa án còn quy định về việc Nhà nước có chính sách ưu tiên đối với Thẩm phán nhằm góp phần bảo đảm cho Thẩm phán yên tâm công tác và thực hiện nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

- Về nhiệm kỳ của Thẩm phán cũng được kéo dài hơn theo định hướng đã được xác định trong các văn kiện của Đảng; cụ thể: “Nhiệm kỳ đầu của các Thẩm phán là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.”

Bên cạnh các nội dung nêu trên, Luật tổ chức Tòa án nhân dân quy định chỉ thành lập một Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia để bảo đảm nâng cao chất lượng trong công tác tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán; quy định thành lập Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp để thực hiện công tác thi tuyển chọn Thẩm phán, thi nâng ngạch Thẩm phán.

1.7. Về Hội thẩm

Các quy định về Hội thẩm cũng có những bổ sung quan trọng nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay trong tổ chức và hoạt động của Hội thẩm Tòa án nhân dân; bảo đảm việc tham gia của Hội thẩm vào công tác xét xử là phương thức để nhân dân thực hiện quyền tư pháp; đồng thời, thực hiện quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động xét xử. Theo đó, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân không quy định việc Tòa án quản lý Hội thẩm mà Hội thẩm được tổ chức thành Đoàn Hội thẩm. Đoàn Hội thẩm hoạt động theo quy chế do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành (khoản 1 Điều 91).

Ngoài ra trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân còn quy định c